Hoa mai nở nhiều vào dịp Tết là một điều may mắn, đem lại không gian đặc trưng của ngày Tết. Tuy nhiên hoa mai trong chậu sau khi trưng Tết thường bị thiếu chất dinh dưỡng, bạn cần biết cách chăm sóc mai vàng để cây có thể cho hoa tiếp vào năm sau.
Bên cạnh đó, hoa mai được trồng trong sân vườn cũng cần được chăm bón thêm sau những ngày Tết để cây luôn khỏe mạnh. Cùng Bình Dương Landscape tìm hiểu chăm sóc mai vàng sau Tết như nào cho đúng kỹ thuật để hoa nở rộ vào tết năm sau nhé.
Thời điểm bắt đầu
Chậu trồng mai trong nhà: Khoảng mùng 8 âm lịch nên đem chậu ra ngoài sân nơi có ánh sáng nhẹ và thoáng mát khoảng 3 – 5 ngày để tập nắng. Lưu ý tránh để cây nơi đón nắng chiều, bởi có thể làm cháy lá, chết cây.
Cây mai trồng ngoài vườn thì không cần phải di chuyển vì cây đã quen với ánh nắng.
Đến khoảng giữa tháng Giêng âm lịch thì tiến hành biện pháp chăm sóc mai sau Tết.
Cách chăm sóc mai vàng trong chậu
1. Cách tỉa cành mai
Khoảng một tuần sau Tết chúng ta nên cắt tỉa cành mai và dùng kéo chuyên cắt cành tỉa những cành mai quá dài, cành nhiễm nấm bệnh và các nụ chưa nở, các hoa tàn, tránh để hoa tạo hạt. Nếu cây bị tỉa nhiều với vết cắt lớn nên sử dụng keo liền da cây để giúp vết cắt mau lành.
Sau khi tỉa cành, pha 1 thìa phân urê với 10 lít nước để phun lên cây, giúp kích thích sự phát triển và phục hồi cây mai. Nếu thấy cành mai chưa phát triển mạnh, bạn có thể pha 1g thuốc GA3 với 30-40 lít nước để phun lên cây và tưới quanh gốc.
Sau khi cây đã phục hồi, cần đưa cây ra ngoài nắng để cây dần thích nghi. Lúc này, mai sẽ mọc lá và chồi non nhiều. Tuy nhiên, cùng với thời tiết nắng ẩm, sâu bệnh có thể xâm nhập vào cây.
Vậy nên cần pha thuốc có hoạt chất Hexaconazole (Anvil) và Fipronil (Regent) để phun: lần đầu sau khi tỉa cành khoảng 10 ngày, lần hai khi cây nhú mầm và lần cuối khi lá cây vừa già.
2. Vệ sinh cây
Sau khi tỉa cành cho cây mai thì cũng cần vệ sinh lại cho cây. Tiến hành lấy vòi nước phun mạnh vào cây để làm bong sạch rêu, nấm mốc. Sau khi phun nếu thấy cây vẫn chưa sạch nấm mốc, bạn có thể dùng bàn chải chà thật mạnh lên cây để “tạm biệt” nấm mốc nhé.
3. Thay đất
Việc thay đất nhằm bổ sung hàm lượng dinh dưỡng đạm, kali cần thiết cho cây trồng.
Chuẩn bị đất: Có thể tự phối trộn đất trồng gồm xơ dừa, trấu tươi, đất sạch, phân hữu cơ với tỷ lệ trộn 4:3:2:1.
Nhấc cây ra khỏi chậu rồi dùng tay loại bỏ lớp đất cũ xung quanh rễ một cách nhẹ nhàng để rễ mới dễ dàng phát triển. Tiếp tục dùng kéo tỉa bớt rễ già hoặc bị nấm bệnh, chú ý giữ lại rễ cám để hút dinh dưỡng.
Chuẩn bị chậu trồng: Tùy theo cây lớn hay nhỏ mà chọn chậu cho phù hợp, chọn chậu mới lớn hơn chậu cũ, tốt nhất là chậu cạn.
Cho đất đã chuẩn bị vào 2/3 chậu trồng, đặt cây mai vàng vào giữa chậu, một tay cố định, một tay cho thêm đất vào lấp đầy chậu cây.
Sau khi thay đất xong, đặt cây trong bóng râm thoáng mát 1-2 ngày trước khi đưa ra ánh nắng. Không bón phân hóa học ngay sau khi thay đất để tránh gây sốc rễ, cây có thời gian ổn định trước khi hấp thụ dinh dưỡng.
Lưu ý: Khi vừa thay đất, tuyệt đối không bón thêm phân hóa học vì khi đó bộ rễ không thể hấp thụ được phân, có thể gây sốc phân, làm hỏng bộ rễ.
4. Kích thích rễ
Sau khi thay đất thì cần phải kích rễ cho cây bằng cách sử dụng thuốc N3M pha theo liều lượng được hướng dẫn. Sử dụng kích thích ra rễ liên tục 3 – 4 lần, mỗi lần cách nhau 7 – 10 ngày. Việc bổ sung kích rễ sẽ giúp bộ rễ mai phát triển nhanh chóng. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng Atonik hoặc Mega 9.1.1 để phun lá, thân, tưới gốc là hiệu nghiệm nhất. Phun thuốc này 3 – 4 lần, mỗi lần cách nhau 7 – 10 ngày.
5. Tưới nước
Trời nắng ngày tưới nước hai lần vào sáng sớm và chiều mát, nếu trời râm thì tưới ngày một lần, tuỳ theo độ to của gốc cây mà tưới lượng nước cho phù hợp. Bạn nên tưới thẳng vào gốc và xịt nước tia nhỏ lên khắp tán lá.
6. Bón phân
Sau khoảng 15 – 20 ngày thay đất, bón bổ sung phân hữu cơ cho cây để tăng dinh dưỡng cho cây.
Trong đó, loại phân hữu cơ thích hợp nhất dùng chăm sóc mai sau Tết là phân trùn quế bởi phân giúp hệ rễ phát triển khoẻ, tăng sức đề kháng và hạn chế các bệnh về rễ.
7. Tạo dáng cho cây mai
Thời điểm lý tưởng để tạo dáng cho cây mai vàng là từ cuối tháng 7 đến cuối mùa hè.Trước khi bắt đầu tạo dáng, cần tỉa bỏ những cành không cần thiết, bao gồm các cành yếu, cành bị sâu bệnh gây hại.
Có thể sử dụng dây kẽm, dây đồng, dây vải để quấn quanh cành khi uốn, nhằm tránh làm tổn thương đến cây. Trước tiên, cần định hình kiểu dáng mong muốn cho cây mai, sau đó tiến hành quấn dây theo trình tự từ thân chính đến cành lớn, rồi tiếp tục đến các cành nhỏ hơn.
Khi quấn dây, cần lưu ý không quấn quá lỏng hoặc quá chặt, các vòng dây quấn chéo nên tạo góc 45 độ so với trục thân để đảm bảo sự cố định chắc chắn. Đồng thời, cành cần được uốn theo hướng dây quấn để giữ vững hình dáng. Sau khi quấn, cây mai giữ nguyên dây từ 3-4 tháng hoặc tối đa 1 năm trước khi tháo dây ra.
Cách chăm sóc mai vàng từng tháng
Mai vàng được nhiều người yêu thích bởi vẻ đẹp rực rỡ và ý nghĩa phong thủy may mắn. Tuy nhiên, để cây phát triển khỏe mạnh, ra hoa đúng dịp Tết, chúng ta cần biết cách chăm sóc cây mai theo từng tháng. Mỗi giai đoạn trong năm, cây mai sẽ có nhu cầu khác nhau về dinh dưỡng, nước tưới cũng như cách cắt tỉa cây.
Từ tháng 1 đến tháng 6
Từ tháng 1 đến tháng 6 đây là thời điểm phù hợp để chúng ta tiến hành các biện pháp phục hồi cây. Đầu tiên, cần cắt tỉa khoảng 30% chiều dài các cành cây nhằm loại bỏ phần già yếu, kích thích cây đâm chồi mới.
Tiếp đó, tiến hành thay đất cho cây và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết như phân lân để hỗ trợ sự phát triển của rễ và chồi non.
Lưu ý tránh tưới quá nhiều hoặc quá ít, đảm bảo độ ẩm vừa đủ cho cây phát triển. Đồng thời, đặt cây mai nơi có đủ ánh sáng, mỗi hai tuần nên xoay cây một góc 180 độ để các cành phát triển đồng đều, giúp cây phục hồi tốt hơn.
Từ tháng 6 đến tháng 12
Từ tháng 6 đến tháng 12 là giai đoạn cây đã khỏe mạnh. Tuy nhiên vẫn cần bổ sung dinh dưỡng cho cây cây, nên tập trung bón phân có nồng độ đạm và lân cao.
Thời điểm cuối tháng 11, tiến hành cắt trụi hết lá để tập trung dinh dưỡng cho nụ. Giai đoạn này cần cẩn thận sâu bệnh như đốm lá, rỉ sắt.
Phòng trừ sâu bệnh hại cho cây mai
Sâu hại thường gặp trên cây mai thường là sâu ăn lá, sâu đục thân, nhện đỏ, rệp mềm ở đọt non. Khi ít bị sâu hại tấn công, có thể áp dụng cách thủ công là bắt tay. Đối với rầy mềm, khi mật độ còn thấp có thể dùng vòi xịt nước ở cường độ mạnh và phun mặt phía dưới lá. Khi mật độ cao, có thể phun phòng trừ bằng GE tỏi ớt gừng cho cây.
Đặc biệt, sâu bệnh và côn trùng gây hại rất thích tấn công cây mai vào giai đoạn trổ nụ hoa. Nhất là kiến, rầy mềm và sâu ăn tạp. Khi đó, cần phun phòng trừ cho cây mai bằng GE quế hoặc tinh dầu sả.
Xem thêm : Những tuổi gặp tam tai năm 2025 và cách hoá giải
Bài viết trên đây hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc mai vàng trong chậu sau Tết đúng kỹ thuật nhất. Hy vọng các bạn sẽ áp dụng một cách hiệu quả để cây mai có thể tiếp tục phát triển và nở nhiều hoa cho Tết năm sau nhé.